Nhiều bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường những năm cuối cấp THPT không khỏi có những lo lắng cho tương lai sau này, học gì, làm nghề gì.
Với những bạn sức học tốt, giảng đường ĐH là mơ ước đã đành, nhưng còn những bạn có lực học vừa phải thì có nên cố theo học ĐH, hay vào một trường CĐ nào đó rồi học lên ĐH sau?
Người tìm việc hay việc tìm người
Theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng lao động, gần đây doanh nghiệp (DN) tìm người phụ thuộc vào chuyên môn, năng lực làm việc nhiều hơn là bằng cấp. Có bằng cấp đúng chuyên môn là điều kiện đủ, nhưng không phải là yếu tố quyết định để được chấp nhận tuyển dụng mà điều cần thiết là lao động đó có đáp ứng được yêu cầu công việc không.
Thực tế cho thấy, đã có những cử nhân, thạc sĩ để đi làm công việc phổ thông phải chấp nhận theo học các khóa đào tạo nghề, hoặc học một bằng trung cấp chuyên nghiệp gắn với công việc của mình. Điều này cho thấy, yếu tố quyết định để có việc làm không phải chỉ là học với bằng cấp cao mà quan trọng là khả năng làm việc có đáp ứng được với yêu cầu không việc hay không.
Theo một số nghiên cứu độc lập cho thấy, SV sau khi tốt nghiệp ĐH, một số ít, có thể nói là rất ít sẽ có việc làm ngay. Nhóm đối tượng này thường rơi vào những SV xuất sắc nhất của khóa đào tạo, đây là những người được cho là có sự tính toán lâu dài và định hướng tốt cho tương lai.
Nhóm còn lại chiếm số đông hơn, nhưng cũng là nhóm có nhiều cơ hội việc làm vì ngay những năm cuối họ đã rất năng động để tìm việc và đã thử sức ở DN nào đó, ngày tốt nghiệp cũng là thời điểm họ chính thức làm việc cho DN. Trong số này, cũng có những người có những đòi hỏi nhiều hơn sẽ mất thêm thời gian để tìm được một công việc họ thấy tương đối ổn định, phù hợp với nghề mình được đào tạo. Cuối cùng là người thay đổi, chấp nhận làm “trái nghề”, nhưng đây lại là những người thành công hơn trong công việc.
Nói ra điều này để thấy rằng có một thực tế đang diễn ra trong xã hội là không phải cứ tốt nghiệp ĐH với tấm bằng chuyên môn gì thì làm nghề với chuyên môn đó. Có thể học ĐH, CĐ hay trung cấp nghề, điều quan trọng là năng lực làm việc và tình yêu với nghề mới là nền tảng để có việc làm và thu nhập ổn định.
Có một thực tế đang diễn ra, rất nhiều người đã và đang hiểu rằng bằng ĐH chỉ là điều kiện đủ để họ có một nền tảng căn bản tiếp thu tri thức mới và bằng cấp không phải là yếu tố quá quan trọng để có được việc làm và thu nhập tốt. Thế nên, nhiều người đã chấp nhận đường vòng, chấp nhận học trường nghề để làm việc và có việc làm tốt, còn nếu nuôi giấc mơ giảng đường ĐH họ có thể đi đường vòng, sau này học liên thông lên CĐ và ĐH - xu hướng liên tục và suốt đời là mới ở Việt Nam nhưng thế giới đã làm nhiều năm nay.
Lời khuyên của các chuyên gia
PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Chủ tịch Hiệp hội CĐ Cộng đồng Việt Nam, cho rằng: Hệ thống các trường CĐ cộng đồng ở khắp cả nước đã và đang đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề đa dạng, phong phú và chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu lao động đặc thù cho từng địa phương. Vấn đề là người học, có nhận thấy việc học nghề gắn với việc làm là cần thiết không hay là còn những mong ước khác.
Lời khuyên cho các bạn trẻ là học nghề, chọn trường phụ thuộc nhiều yếu tố từ lực học của mỗi người, hoàn cảnh gia đình… đặc biệt là vấn đề chọn ngành, trường nào để khi tốt nghiệp ĐH ra trường không thất nghiệp… có nhất thiết phải là trường ĐH, phải lên những thành phố lớn học hay không, trong khi các địa phương đều có những trường chuyên nghiệp, có những khu công nghiệp luôn cần lao động người địa phương.
Nhiều nhà giáo dục cũng cho rằng, nếu có sức học vừa phải, thì không nhất thiết phải cố vào một trường ĐH. Bởi trong xã hội hiện đại, nhu cầu học tập được đáp ứng liên tục và suốt đời, hơn nữa ĐH không phải là con đường duy nhất để các bạn trẻ vào đời, thì đây chưa hẳn đã là lựa chọn đúng khi chúng ta chưa có đủ các điều kiện đi theo.
Thực tế đã cho thấy có nhiều người quyết tâm thi đỗ vào một trường ĐH nào đó, cuối cùng nghề nghiệp của mình sau này lại không liên quan, chưa nói chuyện có người còn phải học lại trung cấp, trường nghề vì lĩnh vực việc làm hoàn toàn mới. Thế nên, việc chọn lựa một trường CĐ nào đó, hoặc là học nghề, sau này học liên thông lên là điều hoàn toàn có thể. Sức học vừa phải, lựa chọn một trường CĐ uy tín với những ngành đào tạo phù hợp với sở thích và năng lực học tập, cơ hội việc làm tốt, sau này có thể tiếp tục liên thông lên ĐH là lựa chọn sáng suốt lúc này.
Ông Nguyễn Bá Lâm – Chuyên gia ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) tại Việt Nam cho rằng: Thời gian vừa qua, nhiều thông tin trên báo chí về việc tỷ lệ SV tốt nghiệp ĐH khi ra trường bị thất nghiệp khá cao. Cần phải nói lại rằng, khái niệm thất nghiệp và làm việc trái ngành nghề là hoàn toàn khác nhau. Nếu bạn thực sự có thực lực thì tôi tin các bạn khi ra trường sẽ có việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo.
Hà An
(giaoducthoidai.vn)