Siết việc cộng điểm ưu tiên, bỏ điểm sàn cao đẳng, bỏ 3 ngày một lần công bố điểm trúng tuyển tạm thời, thí sinh chỉ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua bưu điện hoặc Internet... là điểm mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Theo đó, các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục quy định. Trong trường hợp sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành, các trường xác định và công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.
Sẽ không còn cảnh chen chúc khi thí sinh chỉ được nộp hồ sơ qua bưu điện hoặc Internet trong năm 2016. |
Tránh hiện tượng chuyển khẩu để được cộng điểm
Theo quy định mới, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả những em đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.
Để tránh trường hợp di chuyển hộ khẩu, nơi học để được cộng điểm ưu tiên, Bộ quy định công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số phải có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại khu vực 1 thì thuộc đối tượng 01 của nhóm ưu tiên 1.
Học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại các xã khu vực 3 và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 nếu học THPT tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên thì thuộc nhóm ưu tiên 2.
Bỏ điểm sàn cao đẳng, bỏ 3 ngày một lần công bố điểm trúng tuyển tạm thời
Theo dự thảo, những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 50% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối truyền thống.
Bộ Giáo dục sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Đối với trường cao đẳng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT. Nếu điều này được thực thi sẽ giảm áp lực cho các trường cao đẳng, bởi trong mùa tuyển sinh năm ngoái ngưỡng đầu vào của cao đẳng là 12, thua đại học 2 điểm và rất khó tuyển.
Các trường tổ chức xét tuyển đối với thí sinh đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo từng tổ hợp và được làm tròn đến 0,25. Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục quy định, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ.
Các trường có trách nhiệm cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia, nhưng không phải 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp. Chỉ đến kết thúc mỗi đợt xét tuyển, trường mới công bố trên trang thông tin điện tử của trường và phương tiện thông tin đại chúng điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển đồng thời báo cáo về Bộ.
Không nhận hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại trường đại học
Theo dự thảo, thí sinh nộp Phiếu đăng ký xét tuyển và lệ phí cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng ký trực tuyến. Trong đợt 1, thay vì thí sinh chỉ được nộp vào một trường cho 4 ngành và được quyền rút hồ sơ khi thấy khả năng trúng không cao, thì nay được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển.
Đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung, thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển.
Thí sinh nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thi và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi) cho trường có nguyện vọng học theo quy định của trường.
Thời gian đăng ký xét tuyển bắt đầu từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/10 đối với hệ đại học và đến hết ngày 15/11 đối với hệ cao đẳng. Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
Người dân tham gia giám sát kỳ thi
Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6 đối với hệ đại học (theo thang điểm 10).
Trường hợp sử dụng kết quả học tập ở THPT để xét tuyển, điểm ưu tiên được cộng để xét tuyển sau khi thí sinh đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Mọi người dân, kể cả thí sinh và những người tham gia công tác tuyển sinh, nếu phát hiện hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh cần cung cấp thông tin cho nơi tiếp nhận để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật về tố cáo. Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm quy chế tuyển sinh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tuyển sinh.
Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Kỳ thi diễn ra từ ngày 1 đến 4/7 được đánh giá là suôn sẻ, nhưng đến giai đoạn xét tuyển vào đại học, cao đẳng lại có nhiều bất cập. Theo quy định, có 4 đợt xét tuyển, trong đó đợt 1 kéo dài 20 ngày Bộ cho phép thí sinh được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cùng lúc 4 nguyện vọng và được phép rút hồ sơ nếu thấy cơ hội đỗ không cao. Cứ 3 ngày một lần các trường phải công khai danh sách thí sinh đăng ký. Hệ quả là vào những ngày cuối cùng của đợt 1, tại nhiều trường tốp trên đã xảy ra hỗn loạn, thí sinh chen lấn để nộp - rút hồ sơ. Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận sau đó đã phải lên tiếng nhận trách nhiệm về những bất cập trong khâu xét tuyển đại học, cao đẳng. |
Theo Lan Hạ (vnexpress.net)
- Những hòn đảo đẹp ở Việt Nam được khách nước ngoài yêu thích
- Tam Cốc, Ninh Bình: Cánh đồng lúa vào mùa đẹp nhất trong năm
- Ngôi làng Giethoorn, không đường đi đẹp như cổ tích ở Hà Lan
- 10 điểm du lịch Việt Nam được truyền thông nước ngoài đánh giá HOT 2019
- Ốc, bún riêu Việt Nam vào top 21 món ngon nhất thế giới