Ba năm trở lại đây, việc tuyển sinh các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng trở nên sôi động vì chỉ tiêu đầu vào hàng năm nhiều nhất, số lượng thí sinh dự thi đông nhất và ngành này có nhiều trường đào tạo nhất… câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng trên có dẫn đến dư thừa nguồn nhân lực các ngành này?
Năm 2011, có đến 248/416 trường tuyển sinh các ngành kinh tế, tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh.
Tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: Có đến hơn40% sinh viên học các ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế; quá nhiều trường ĐH, CĐ mở ngành đào tạo về kinh tế, nhu cầu nhân lực có thật sự cần đến mức đó hay không?
Theo lãnh đạo Bộ và các thống kê báo cáo, các trường phân bổ xấp xỉ 38% tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh , Kinh tế, Kế toán so với tổng chỉ tiêu, chỉ còn lại 62% chỉ tiêu tuyển sinh cho tất cả các ngành đào tạo khác.
Dự báo nhân lực qua đào tạo ngành ngân hàng (Nguồn: tổng hợp kết quả dự báo từ quy hoạch phát triển nhân lực ngành ngân hàng giai đoạn 2011-2020 của Ngân hàng Nhà nước)
Những năm gần đây, việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh đã minh bạch, công khai và dựa trên năng lực nhà trường. Tuy nhiên, những chỉ tiêu này lại không hướng đến cung – cầu nhân lực trong xã hội mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu đào tạo của thí sinh. Ông Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện Tài chính cho rằng: “Khi phân bổ chỉ tiêu, cơ quan quản lý cần cân đối xem xét lại chứ không vài năm nữa sẽ thừa nguồn nhân lực ngành Kinh tế, Tài chính - ngân hàng. Bởi hiện nay, nguồn nhân lực của ngành này cũng đã dư thừa, nhiều sinh viên ra trường khó tìm được việc”.
Đặc biệt, hoạt động ngành ngân hàng 10 năm tới sẽ khác với 10 năm vừa qua. Vì vậy, nếu muốn thi vào chuyên ngành này, các bạn phải hiểu rõ trong hiện tại và tương lai, nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng sẽ thay đổi như thế nào. Nắm bắt thực tế của ngành nghề là điều thiết yếu để biết mức độ phù hợp của bản thân với ngành, lường trước được mức độ cạnh tranh lao động trong ngành đồng thời tránh khủng hoảng thừa nhân lực.
Theo công bố thông số nhân lực cuối năm 2010 của Vietnamworks - nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến thì nhu cầu của ngành Ngân hàng đã giảm 14%. Vietnamworks dự báo các nhóm ngành khối Kinh tế, Ngân hàng sẽ bão hòa và rất khó khăn khi tìm việc trong vòng 4-5 năm nữa. Khi ấy, ngành này sẽ cần nhân lực chất lượng cao là chính.
Hương Ngân (First-Viec-Lam)